Thời gian đọc cho trẻ em: 10 phút
Ngày xưa có hai vợ chồng nhà kia không có con, họ mong rằng ngày kia trời sẽ thương cảnh ngộ họ. Nhìn qua cửa sổ sau nhà thì thấy một mảnh vườn tuyệt đẹp, trồng toàn hoa thơm, các loại rau lạ. Mọi người đều biết đó là mảnh vườn của một mụ phù thủy nên không ai dám trèo tường vào vườn. Một hôm, nhìn qua cửa sổ đằng sau nhà, người vợ thấy ở luống rau kia có loại rau mọc tươi mơn mởn, từ đó bà trở nên thèm được ăn thứ rau đó. Cơn thèm ngày càng tăng, rồi một hôm, đang đứng bên cửa sổ người vợ thấy choáng váng cả người và ngã lăn ra đất. Thấy vợ tái nhợt nằm đó, chồng lại bên và hỏi:
– Em yêu, em sao vậy? Người vợ đáp:
– Trời, nếu em không được ăn một bữa rau ba lăng trồng ở vườn sau nhà chắc em chết mất. Chồng rất thương vợ nên nghĩ:
– Tại sao lại để vợ mình chết nhỉ, cứ liều sang lấy, đến đâu thì đến. Đợi trời xẩm tối, chồng trèo tường lẻn vào vườn lấy rau ba lăng về cho vợ. Vợ nấu ăn thật ngon lành. Rồi hôm sau vợ lại càng thấy thèm rau ba lăng và năn nỉ chồng đi lấy nữa. Đợi trời xẩm tối, người chồng vào, vừa mới trèo qua tường đặt chân xuống đất thì đứng ngay trước mặt chàng là mụ phù thủu, chàng hoảng sợ, mụ nhìn chàng với con mắt bực tức và nói:
– Ngươi cả gan thật đấy, dám vào vườn ta hái trộm rau ba lăng. Ngươi sẽ biết tay ta. Người đàn ông đáp:
– Trời, thương tình tôi với, chỉ vì thương vợ quá nên mới có chuyện hái trộm rau, vợ tôi nhìn thấy rau non mơn mởn nên thèm, thèm đến nỗi có thể chết đi được. Mụ bớt giận và nói:
– Ngươi có thể hái rau ba lăng như ngươi muốn, nhưng với điều kiện, đứa con vợ ngươi đẻ phải giao cho ta nuôi, ta chăm sóc nó như con đẻ của ta. Trong lúc hoảng sợ người chồng đồng ý tất cả. Đến khi người vợ sinh con, mụ phù thủy tới đòi, đặt tên đứa bé là Rapunzên – rau ba lăng – rồi mụ bế đứa bé đi luôn.

Rapunzên lớn lên nom rất dễ thương. Năm Rapunzên mười hai tuổi, mụ phù thủy nhốt em ở trong một cái tháp không có bậc lên hay cửa để ra vào. Mỗi khi muốn vào tháp mụ phù thủy phải gọi:
– Rapunzen, Rapunzen
Ta muốn leo lên.
Bện thả tóc xuống. Rapunzên có bộ tóc dài óng mượt, mái tóc vàng nom cứ tưởng những sợi vàng ròng. Mỗi khi nghe giọng mụ phù thủy gọi, Rapunzên gỡ mái tóc dài ra, buộc một đầu vào chiếc móc ở tháp và thả đầu kia xuống, tóc Rapunzên dài chạm đất, mụ phù thủy đu theo mái tóc mà lên tháp. Nhiều năm trôi qua, một ngày kia có hoàng tử cưỡi ngựa đi ngang qua, chàng nghe thấy có tiếng hát vang ra từ trong tháp, chàng dừng ngựa để nghe. Đó là tiếng hát của Rapunzên, nàng hát cho đỡ buồn. Hoàng tử tìm đường vào trong tháp nhưng không thấy cửa ra vào. Chàng ra về nhưng lòng còn bâng khuâng nhớ người có giọng hát hay. Và từ đó ngày nào hoàng tử cũng tới gần tháp để nghe hát.

Một hôm, trong lúc hoàng tử đang đứng sau một gốc cây cổ thụ thì thấy mụ phù thủy bước tới gần tháp gọi với lên:
– Rapunzen, Rapunzen
Ta muốn leo lên.
Bện thả tóc xuống. Rapunzên thả bím tóc xuống, mụ phù thủy leo lên. Hoàng tử nghĩ:
– Phải chăng đó chính là cái thang để leo lên tháp? Ta cũng thử một lần xem sao.

Ngày hôm sau, đợi lúc trời xấm tối, hoàng tử tới gần tháp gọi với lên:
– Rapunzen, Rapunzen
Ta muốn leo lên.
Bện thả tóc xuống. Bím tóc được thả xuống, hoàng tử leo lên. Rapunzên chưa từng gặp người đàn ông nào trong đời nên rất hoảng sợ.

Hoàng tử vui vẻ, nhã nhặn, dùng lời lẽ nhẹ nhàng kể cho Rapunzên nghe rằng chàng từ khi nghe nàng hát đến giờ lòng lúc nào cũng khao khát được gặp người hát. Rapunzên dần dần tĩnh tâm lại.

Hoàng tử hỏi nàng liệu có thể sống bên nàng được không, nàng thấy chàng đẹp trai, khỏe mạnh nên cũng rất ưng, nàng đặt bàn tay mình vào trong lòng bàn tay chàng và nói:
– Em cũng rất muốn đi cùng với anh, nhưng em không biết làm cách nào để tụt xuống chân tháp. Nếu như mỗi lần đến thăm em, anh mang cho em một bó tơ, em lấy tơ bện thành dây chão, khi nào dây chão bện xong em sẽ tụt xuống chân tháp, anh đón em lên ngựa và hai ta cùng đi. Hai người hẹn với nhau, rằng cứ chiều tối chàng lại tới, vì ban ngày mụ phù thủy tới. Mụ phù thủy hoàn toàn không biết chuyện hò hẹn giữa hoàng tử và Rapunzên. Một hôm Rapunzen hỏi:
– Bà Gothel ơi, cháu hỏi bà nhé, tại sao kéo bà lên tháp cháu thấy nặng hơn là kéo hoàng tử. Mụ phù thủy liền la mắng:
– Ái chà, mày là quân vô đạo, mày nói gì vậy, tao tưởng tao đã cách ly mày với thế giới bên ngoài rồi, không ngờ mày còn có thể đánh lừa được cả tao. Trong cơn tức giận, mụ túm tóc Rapunzen, lôi giật và tay trái ghì Rapunzen, tay phải cầm kéo cắt tóc, xoạt, xoạt – những bím tóc óng mượt rơi xuống đất. Mụ vẫn chưa hả giận, mụ đưa Rapunzen tới một miền hoang vu cằn cỗi để nàng phải sống trong cảnh thường xuyên bị đói khát dằn vặt. Giờ đây mụ phù thủy ngồi trong tháp, mụ cột chặt bím tóc vào móc ở bên cửa sổ, khi hoàng tử tới và gọi
– Rapunzen, Rapunzen
Ta muốn leo lên.
Bện thả tóc xuống. Bím tóc được thả xuống, hoàng tử leo lên. Tới nơi chàng không thấy Rapunzen thương yêu, chỉ thấy mụ phù thủy có cặp mắt trợn trừng dữ tợn. Mụ cười vang nhạo chàng.
– Ái chà chà, ngươi tính đến đón người thương chứ gì, nhưng con chim ấy đâu còn ở trong tổ, nó cũng chẳng còn ca hát được nữa, mèo đã bắt nó đi rồi. Còn ngươi, mắt sẽ bị gai đâm mù, ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy Rapunzen, đối với ngươi hình ảnh Rapunzên thế là hết. Trong lúc choáng váng hoàng tử nhảy từ trên tháp cao xuống bụi gai, bị gai đâm mù cả hai mắt, chàng đi lang thang trong rừng sâu, bới đào rễ cây, củ các loại và hái dâu rừng để ăn. Chàng vừa đi vừa than khóc nhớ người yêu. Chàng đi hết nơi này tới nơi khác, sống cuộc đời lang thang như vậy mấy năm trời, cuối cùng chàng tới miền hoang vu kia, nơi Rapunzen cùng hai con đang sống – nàng sinh được một trai, một gái – Nghe tiếng nàng gọi con chàng ngờ ngợ và cứ hướng tiếng người nói đi tới, khi chàng đến gần, Rapunzen nhận ngay ra và ôm choàng lấy chàng mà khóc.

Hai giọt lệ rỏ xuống mắt chàng, làm cho mắt chàng sáng ra, chàng nhìn được như xưa. Chàng cùng nàng và các con trở về vương quốc của mình. Họ được đón tiếp trọng thể trong niềm vui chung của mọi người. Từ đó hai người sống bên nhau trong bình an và hạnh phúc.

Ngữ cảnh
Diễn giải
Ngôn ngữ
Câu chuyện „Rapunzel“ của Anh em nhà Grimm là một trong những truyện cổ tích nổi tiếng, thể hiện khát vọng tự do và sức mạnh của tình yêu. Câu chuyện bắt đầu với một cặp vợ chồng hiếm muộn mong mỏi có con. Người vợ thèm ăn loại rau ba lăng (ralen), mà chỉ mọc trong vườn của một mụ phù thủy, dẫn đến việc người chồng phải ăn trộm rau cho vợ. Khi bị mụ phù thủy bắt gặp, ông đã đồng ý giao đứa con sắp sinh để đổi lấy sự tha thứ.
Đứa bé, được mụ đặt tên là Rapunzel, lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp. Tuy nhiên, mụ phù thủy giam nàng trong một tòa tháp cao không có lối vào. Mỗi khi mụ muốn vào, mụ gọi Rapunzel thả mái tóc dài xuống để leo lên. Một hoàng tử đi ngang qua, bị cuốn hút bởi giọng hát của Rapunzel, đã tìm cách leo lên gặp nàng và cả hai phải lòng nhau.
Sự việc bị mụ phù thủy phát hiện. Mụ cắt tóc Rapunzel và đày nàng tới một vùng hoang vu. Khi hoàng tử đến tìm, mụ dùng tóc Rapunzel để đánh lừa, khiến chàng đau khổ nhảy xuống bụi gai và bị mù. Cuối cùng, hoàng tử tìm được Rapunzel nhờ tiếng gọi. Giọt nước mắt của nàng chữa lành cho chàng. Cả hai đoàn tụ và sống hạnh phúc mãi mãi cùng các con, trở về vương quốc của hoàng tử.
Truyện „Rapunzel“ không chỉ lôi cuốn bởi cốt truyện lãng mạn và kỳ ảo mà còn nhấn mạnh sự kiên định vượt qua thử thách và sức mạnh của tình yêu và lòng nhân ái.
Câu chuyện cổ tích „Rapunzel“ của anh em nhà Grimm đã được nhiều thế hệ yêu thích và có nhiều cách diễn giải khác nhau. Đây là một câu chuyện tiêu biểu về tình yêu và sự kiên trì vượt qua khó khăn để đạt được hạnh phúc. Dưới góc nhìn đa dạng, câu chuyện có thể được diễn đạt theo nhiều cách khác nhau:
Bài học về lòng kiên trì và tình yêu đích thực: Rapunzel và hoàng tử đều thể hiện lòng kiên trì trong việc tìm kiếm và giữ lấy tình yêu của mình. Mặc dù gặp rất nhiều trở ngại từ mụ phù thủy, họ vẫn không từ bỏ và cuối cùng được đoàn tụ hạnh phúc.
Tự do và sự giải phóng: Rapunzel bị giam cầm suốt nhiều năm và câu chuyện của cô có thể được xem như hành trình đấu tranh cho tự do cá nhân. Tóc của Rapunzel, là biểu tượng của sự giam giữ, đồng thời cũng chính là phương tiện giúp cô thoát ra khỏi sự kiểm soát.
Sự trưởng thành và khám phá bản thân: Câu chuyện cũng có thể là biểu hiện của quá trình trưởng thành của một người trẻ. Từ một cô bé bị giam cầm, Rapunzel trưởng thành và tự tìm thấy con đường của riêng mình.
Giá trị của gia đình: Dù bị chia cắt bởi những thử thách và âm mưu của mụ phù thủy, cuối cùng gia đình của Rapunzel và hoàng tử vẫn được đoàn tụ trong hạnh phúc và tình yêu thương.
Biểu tượng của hy vọng và tái sinh: Sự chữa lành đôi mắt của hoàng tử bằng nước mắt của Rapunzel là hình ảnh mạnh mẽ về hy vọng và sự tái sinh. Mặc dù phải trải qua nhiều sự mất mát và đau khổ, cuối cùng tình yêu và lòng tốt đã mang lại ánh sáng và hồi sinh cho họ.
Mỗi người đọc có thể tìm thấy những ý nghĩa riêng từ câu chuyện này, và đó là lý do tại sao „Rapunzel“ vẫn mãi mãi là một câu chuyện được yêu mến và kể lại qua nhiều thế hệ.
Truyện cổ tích „Rapunzel“ của Anh em nhà Grimm là một câu chuyện giàu ý nghĩa với nhiều yếu tố ngôn ngữ phong phú và biểu tượng sâu sắc.
Dưới đây là một phân tích ngôn ngữ học về câu chuyện này:
Yếu tố ngôn ngữ và văn phong
Ngôn ngữ mô tả: Truyện sử dụng ngôn ngữ đầy tính mô tả, đặc biệt là khi miêu tả vườn hoa, tháp hay mái tóc của Rapunzel.
Ví dụ: „mái tóc vàng nom cứ tưởng những sợi vàng ròng“ tạo nên hình ảnh sinh động và giàu gợi cảm.
Lối kể chuyện truyền thống: Truyện được kể theo ngôi thứ ba, mang phong cách kể chuyện dân gian với những mô típ quen thuộc như ước mơ sinh con, cuộc gặp gỡ định mệnh và lòng tốt mở ra con đường đến hạnh phúc.
Đối thoại: Đối thoại giữa các nhân vật thường mang nhiều ý nghĩa ẩn dụ. Ví dụ, cuộc trò chuyện giữa Rapunzel và mụ phù thủy hé lộ sự ngây thơ của Rapunzel và sự giận dữ của mụ phù thủy.
Biểu tượng và ý nghĩa
Mái tóc của Rapunzel: Mái tóc dài của Rapunzel là biểu tượng của sự kết nối và tự do. Nó không chỉ là công cụ giúp mụ phù thủy và hoàng tử lên tháp mà còn thể hiện sự trưởng thành của Rapunzel khi nàng sử dụng tóc để lên kế hoạch trốn thoát.
Tháp: Tháp là biểu tượng của sự cách ly nhưng đồng thời cũng là nơi Rapunzel phát triển khả năng ca hát và thể hiện bản thân.
Rừng hoang vu: Biểu thị thử thách và khó khăn mà các nhân vật phải vượt qua. Cuối cùng, nó trở thành nơi đoàn tụ và hồi sinh cho tình yêu chân thật.
Giọt lệ chữa lành: Nước mắt của Rapunzel đại diện cho tình yêu chân thành và sức mạnh chữa lành, khôi phục ánh sáng cho hoàng tử.
Chủ đề chính
Tình mẫu tử và sự hy sinh: Quyết định của người phụ nữ trong việc hái trộm rau vì mong muốn có con thể hiện khát khao làm mẹ và sẵn sàng hy sinh.
Tình yêu và sự kiên trì: Tình yêu giữa Rapunzel và hoàng tử được xây dựng qua những lần thăm viếng và lời hứa hẹn, thể hiện lòng kiên trì vượt qua khó khăn.
Quá trình trưởng thành: Rapunzel từ một cô gái ngây thơ trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, biết tự lập kế hoạch để giải cứu chính mình.
Bài học đạo đức
– Truyện gửi gắm thông điệp về lòng dũng cảm, tình yêu đích thực và niềm tin vào phép màu của cuộc sống. Nó khuyến khích người đọc trân trọng tự do cá nhân và sức mạnh của tình yêu thương.
Như vậy, „Rapunzel“ không chỉ là một câu chuyện giải trí mà còn chứa đựng nhiều lớp nghĩa sâu sắc, khơi gợi sự suy ngẫm về các giá trị cuộc sống.
Thông tin phân tích khoa học
Chỉ số | Giá trị |
---|---|
Con số | KHM 12 |
Aarne-Thompson-Uther Chỉ mục | ATU Typ 310 |
Bản dịch | DE, EN, EL, DA, ES, FR, PT, IT, JA, NL, KO, PL, RO, RU, TR, VI, ZH |
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson | 19.7 |
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục | 92.5 |
Flesch–Kincaid Grade-Level | 4.7 |
Gunning Fog Chỉ mục | 7.3 |
Coleman – Liau Chỉ mục | 4.3 |
SMOG Chỉ mục | 7 |
Chỉ số khả năng đọc tự động | 3.4 |
Số lượng ký tự | 6.052 |
Số lượng chữ cái | 4.471 |
Số lượng Câu | 75 |
Số lượng từ | 1.309 |
Số từ trung bình cho mỗi câu | 17,45 |
Các từ có hơn 6 chữ cái | 29 |
Phần trăm các từ dài | 2.2% |
Tổng số Âm tiết | 1.495 |
Số tiết trung bình trên mỗi từ | 1,14 |
Các từ có ba Âm tiết | 32 |
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết | 2.4% |