Thời gian đọc cho trẻ em: 12 phút
Bác thợ cả Pfriem có vóc người bé nhỏ, gầy gò nhưng rất ưa hoạt động, không có giây phút nào ngồi im. Mặt bác rỗ hoa, đã thế lại có cái mũi hếch nhô lên với làn da tái nhợt như da người chết, tóc đã hoa râm nhưng mọc lởm chởm. Hai mắt ti hí, liếc trái, liếc phải liên tục. Không gì lọt được mắt bác. Gì bác cũng chê, gì bác cũng biết hơn người và trong mọi chuyện bác nói bao giờ cũng có lý. Lúc đi ngoài đường, bao giờ hai tay bác cũng vung lấy vung để như chèo đò. Có lần bác vung tay vào một cô gái đang xách nước, thùng nước văng lên cao, nước dội luôn lên cả người bác. Vừa rung người cho nước chảy xuống, bác vừa la mắng cô gái:
– Đồ ngu như cừu! Mày không nhìn thấy tao từ đằng sau đến à? Nghề kiếm sống của bác là nghề thợ giày. Mỗi khi ngồi khâu, tay bác rút kim vung bạt mạng, ai không để ý lánh xa một chút là xơi ngay một quả thụi vào mạng sườn. Không có một thợ phụ nào ở với bác được một tháng, vì làm giỏi mấy đi chăng nữa vẫn bị bác chê như thường. Khi bác chê đường khâu không đều, khi thì bác chê gót giày này dài hơn chiếc kia, khi thì chê hai gót giày không cao bằng nhau, lúc lại chê da dập chưa kỹ. Bác bảo chú thợ học việc:
– Ngưng tay cái đã, tớ sẽ chỉ cho chú mày cách dập cho da mềm nhé. Miệng nói nhưng tay bác đã rút sợi dây da quất luôn mấy roi lên lưng chú bé. Tất cả thợ phụ, thợ học việc, bác đều gọi là đồ biếng nhác. Nhưng bản thân bác cũng có làm được nhiều cho cam, vì có khi nào bác ngồi khâu vá được quá mười lăm phút. Sáng nào cũng vậy, hễ bác gái dậy bắc nồi nhóm bếp là bác cũng nhảy ra khỏi giường, rồi cứ thế mà chạy chân không xuống bếp mà la:
– Bà định đốt nhà đấy hả? Chắc lửa bùng lên như để thui cả con bò hay sao? Củi không phải mua tốn xu nào chắc! Thấy đám con gái ngồi giặt giũ mà rúc rích trò chuyện là bác mắng chúng ngay lập tức:
– Lại có mấy con ngỗng đứng đây quang quác, trò chuyện quên cả công việc. Đem xà bông ra nghịch, thật là phí của trời, lại còn thêm cái tính lười như hủi nữa! Không dám vò mạnh tay một chút, chắc tụi bay sợ hỏng da bàn tay chứ gì? Bác nhảy đại tới chỗ giặt, nhưng liền vấp xô đổ nhào thùng nước xà bông, nước đổ lênh láng ra khắp bếp. Thấy người ta xây nhà mới là bác nhảy luôn sang đứng bên cửa sổ, dòm vào rồi la:
– Đám thợ này lại xây tường bằng cát đỏ rồi! Thứ cát ấy có bao giờ ráo nước đâu? Sống trong ngôi nhà rồi cứ là ốm hết lượt! Mọi người cứ thử nhìn xem, đám thợ phụ nó đặt đá xây thế mà coi được à? Vữa chẳng ra vữa. Phải trộn sỏi vào vữa thì lại đi trộn cát. Tôi còn sống đó để nhìn thấy cảnh tượng căn nhà sụp đổ để đè bẹp chết hết mọi người trong nhà. Ngồi khâu mới được dăm ba mũi, bác đã đứng phắt ngay dậy, tay tháo yếm da, miệng nói:
– Mình phải ra ngoài một chút để nhắc nhở lương tâm mọi người mới được. Chạy lại chỗ đám thợ mộc đang làm, bác nói:
– Làm chi mà kỳ vậy? Các anh không đẽo theo đường chỉ kẻ rồi. Các anh tưởng những cái xà này thẳng cả sao? Rồi chẳng có cái mộng nào khít đâu! Bác giật cái rìu từ tay một người thợ mộc, định đẽo mẫu cho họ xem. Nhưng ngay khi đó lại có một xe ngựa chở đầy đất sét đi tới. Bác quăng ngay rìu đi, nhảy xổ tới chỗ người nông dân đi kèm xe và nói:
– Các ngươi không biết thương yêu giống vật hay sao? Ai lại đi thắng ngựa non vào cái xe chở nặng như thế bao giờ! Rồi mấy con vật đáng thương ấy sẽ khụy gục tại chỗ cho các anh coi! Người nông dân không buồn đáo lại làm bác Pfriem càng cáu bẳn rồi liền ngay đó bác lại chạy về xưởng làm việc. Bác vừa mới ngồi xuống, tính tiếp tục công việc dở dang thì một chú thợ học nghề đưa bác xem một đôi giày. Bác quát mắng chú bé:
– Lại cái gì đây nữa? Tớ đã bảo chú mày không được khoét quá rộng thế này. Giày gì mà toang hoác gần như chỉ còn thấy đế? Thứ giày này thì ma nào nó mua? Phải làm đúng y như tớ dặn chứ! Chú thợ học việc đáp:
– Thưa thầy thợ cả, thầy nói chí phải! Đúng là giày chẳng ra giày thật. Nhưng nó chính là chiếc giày thầy cắt và chính tay thầy khâu ạ. Lúc vội chạy ra ngoài, thầy đã quẳng nó xuống gầm bàn, con chỉ nhặt nó lên thôi. Có lẽ đến tiên giáng thế cũng không thể làm vừa được ý thầy. Một đêm, bác cả Pfriem nằm mơ thấy mình chết, hồn đang trên đường về trời. Đến nơi, bác gõ thật mạnh vào cổng trời. Bác nói:
– Tôi thấy thật là lạ, cổng gì mà cái vòng tròn để lắc gõ cũng không có, phải gõ bằng tay đến nỗi muốn thành thương tật. Tông đồ Petrus ra xem ai gọi cổng mà đập dữ dội vậy. Pêtơrút nói:
– Chà, tưởng ai, té ra là bác cả Pfriem! Ta sẵn lòng cho bác vào, nhưng ta xin dặn đôi điều: bỏ thói cũ nhé, có nhìn thấy mọi vật ở trên trời thì đừng có chê bai nhé. Không lại tội vạ vào thân. Bác cả Pfriem đáp:
– Kể ra, tông đồ không dặn thì tôi cũng biết phải xử sự như thế nào. Vả lại ở đây, ơn trời, mọi việc đều hoàn hảo, chẳng có gì để mà chê bai như dưới trần gian. Bác qua cổng, leo lên leo xuống, qua những khoảng không đất rộng của nhà trời. Bác ngó quanh, hết nhìn sang trái lại nhìn sang phải, chốc chốc lại gật đầu xuýt xoa tỏ vẻ hài lòng mỹ mãn. Giữa lúc ấy, có hai vị thiên thần khiêng một cái xà. Hai người vừa khiêng vừa nhìn vào mắt nhau, xà thì dài nhưng hai thiên thần không khênh đi theo dọc thân xà, mà cứ đi ngang. Bác Pfriem nghĩ:
– Có đời thuở nhà ai lại ngu đến thế nhỉ? Nhưng bác cứ nín lặng, thấy nó cũng có lý của nó: rốt cuộc cũng thế thôi, khênh xà đi dọc hay đi ngang cũng có sao đâu, miễn là cứ khênh đi được. Mà cũng thật là hay, mình thấy họ có chạm vào cái gì đâu? Một lát sau, bác lại nhìn thấy hai vị thiên thần khác ngồi trên bờ giếng lấy nước đổ vào thùng. Nhìn kỹ, bác thấy thùng nhiều chỗ có lỗ rò, nước chảy rò ra tứ phía: Các thần đương làm mưa trút xuống trần gian. Bác buột miệng bật ra:
– Toàn đồ vô dụng! Nhưng may bác lại kìm ngay được và nghĩ: Có lẽ cũng chỉ để tiêu khiển cho vui thế thôi. Đã gọi là tiêu khiển thì toàn là những chuyện vô tích sự. Vả chăng ở trên tiên giới này – như mình đã thấy – mọi người đều rảnh rỗi cả. Đi được một quãng, bác thấy một cỗ xe mắc kẹt vì một cái hố sâu. Bác bảo người đánh xe:
– Chẳng có gì ngạc nhiên cả! Chẳng có ai chất nặng đến thế bao giờ. Các người chở gì vậy? Người kia đáp:
– Toàn những điều nguyện sùng đạo cả, nguyện mãi rồi mà tôi vẫn chưa vào được con đường chính, nhưng cũng may là tôi đã đẩy được cỗ xe tới được đây. Ở đây rồi thì chắc không ai lại nỡ để tôi mắc kẹt nằm lại đây. Quả vậy, có một thiên thần dắt hai con ngựa tới đóng vào xe. Bác Pfriem nghĩ thầm:
– Được lắm, nhưng chỉ có hai con thì làm sao kéo nổi xe ra khỏi hố? Ít nhất cũng phải bốn con mới kéo nổi. Lại có một thiên thần khác dắt hai con ngựa tới, nhưng lại không đóng nó vào phía trước xe mà đóng vào sau xe. Bác Phơrim không nhịn nổi nữa, buột miệng quát:
– Đồ vô dụng! Mày làm gì ở đó? Từ buổi khai thiên lập địa có ai làm thế không, hở? Thế mà lũ kiêu căng ngu xuẩn kia lại cứ cho là mình gì cũng hơn người. Bác còn định nói nữa, nhưng một vị nhà trời đã kịp túm lấy gáy bác, quẳng một cái rõ mạnh ra khỏi cổng nhà trời. Ra ngoài rồi, bác còn ngoái cổ nhìn lại, thấy bốn con ngựa có cánh đương nhấc bổng chiếc xe lên khỏi hố.
– Lẽ đương nhiên là trên trời ít nhiều cũng khác dưới trần gian. Có những điều ở đó người ta có thể bỏ qua, nhưng có ai nhẫn nại đứng nhìn họ đóng ngựa vào cả đằng trước lẫn đằng sau xe được! Đã đành mấy con ngựa có cánh thật đấy, nhưng đã ai dám chắc điều đó? Mà lại càng ngu kia: ngựa sinh ra vốn có bốn vó để chạy là được rồi, chắp thêm hai cánh làm gì? Nhưng mình phải dậy ngay thôi, kẻo ngoài kia chúng nó lại toàn làm những chuyện oái oăm ngược đời. Cũng may là mình chưa chết thật!

Ngữ cảnh
Diễn giải
Ngôn ngữ
Truyện „Bác thợ cả Pfriem“ của anh em nhà Grimm kể về một người thợ giày có tính cách đặc biệt. Bác Pfriem nhỏ bé, gầy gò, luôn ưa hoạt động và không chịu ngồi yên. Bác nổi tiếng hay chê bai, chỉ trích mọi thứ xung quanh và tự cho rằng mình giỏi hơn người khác.
Tính cách này thể hiện rõ trong nhiều tình huống hàng ngày: từ việc mắng một cô gái làm đổ nước, chỉ trích thợ làm nhà đến việc can thiệp vào công việc của người khác.
Nghề chính của bác là thợ giày, nhưng lại không ai có thể làm việc lâu dài với bác do tính cách khó chịu và hay càu nhàu. Ngay cả khi mơ đến thiên đường, bác cũng không bỏ được thói quen chê bai của mình, từ việc chỉ trích cách làm việc của các thiên thần đến cách xử lý tình huống trên trời. Cuối cùng, chính những lời chỉ trích không đúng chỗ đã khiến bác bị quẳng về lại trần gian, may mắn là đó chỉ là một giấc mơ.
Truyện mang tính chất châm biếm nhẹ nhàng, phê phán thói quen thích chỉ trích, vội vàng đánh giá người khác mà không hiểu rõ tình huống, và khuyến khích sự kiềm chế, cảm thông trong cách cư xử với mọi người.
Câu chuyện „Bác thợ cả Pfriem“ của Anh em nhà Grimm xoay quanh một nhân vật chính là bác thợ giày có tính cách đặc biệt. Bác Pfriem là người luôn chê bai công việc và cách làm của người khác, dù cho bản thân bác cũng không hẳn là người hoàn hảo. Bác thích chỉ trích, thường xuyên kêu ca về những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.
Câu chuyện thể hiện tính cách khó chịu và cầu toàn của bác Pfriem qua nhiều tình huống khác nhau, từ việc va vào cô gái xách nước, cho đến việc phê bình thậm chí cả những thiên thần trên thiên đường trong giấc mơ của mình. Tuy nhiên, qua giấc mơ đó, bác nhận ra rằng những quy luật và cách thức vận hành của thế giới dường như đa dạng và đôi khi không thể giải thích bằng tư duy logic thông thường.
Truyện có ý nghĩa sâu sắc về việc chấp nhận sự không hoàn hảo và đa dạng của cuộc sống. Đôi khi, việc quá chú trọng vào những tiểu tiết và chỉ trích mọi thứ xung quanh có thể khiến con người trở nên mệt mỏi và không hạnh phúc. Thay vào đó, việc chấp nhận và hòa hợp với những điều chưa hoàn hảo có thể giúp ta sống thanh thản và thoải mái hơn.
„Phân tích ngôn ngữ học về truyện cổ tích: ‚Bác thợ cả Pfriem'“ của Anh em nhà Grimm là một tác phẩm mang đậm tính châm biếm và giáo huấn. Truyện kể về bác thợ giày Pfriem, một người nhỏ bé nhưng rất hiếu động và hay chỉ trích người khác. Bác cho rằng mình giỏi hơn và luôn tìm lỗi ở người khác, nhưng bản thân lại không làm được nhiều việc hiệu quả.
Ngôn Ngữ và Phong Cách: Ngôn ngữ trong truyện mang tính châm biếm rõ rệt. Những chi tiết miêu tả hình dáng và hành vi của Pfriem được làm nổi bật để tạo nên hình ảnh hài hước và lố bịch. Cách sử dụng từ ngữ mang nhiều tính miêu tả và cường điệu, ví dụ như bác „liếc trái, liếc phải liên tục“ và „không gì lọt được mắt bác“. Điều này giúp tạo ra hình ảnh sinh động và thể hiện rõ nét tính cách của nhân vật.
Đặc Điểm Nhân Vật: Pfriem được miêu tả là một người luôn bận rộn, không bao giờ hài lòng và thường xuyên chỉ trích người khác. Điều này thể hiện qua ngôn ngữ và hành động của bác trong suốt câu chuyện. Lối nói của Pfriem thường mang tính chất chê trách và lên lớp, điều này thể hiện sự tự mãn và cảm giác hơn người của bác.
Hài Hước và Châm Biếm: Tính hài hước và châm biếm được sử dụng xuyên suốt câu chuyện để chế giễu tính cách bất mãn và chỉ trích của Pfriem. Ví dụ, ngay cả khi lên thiên đàng, bác cũng không kiềm chế được mà muốn chỉ trích cách làm việc của các thiên thần.
Giáo Huấn Xã Hội: Qua câu chuyện về Pfriem, tác giả gửi gắm thông điệp về việc tự thỏa mãn và chỉ trích không mang lại kết quả tốt, và rằng mỗi người nên biết chừng mực và tự cải thiện bản thân thay vì chỉ trích người khác. Hình ảnh Pfriem bị quẳng ra khỏi cổng trời thể hiện hậu quả của việc không biết điều chỉnh bản thân và cứ mãi chỉ trích vô lý.
Kết Cấu Truyện: Cấu trúc câu chuyện đơn giản nhưng hiệu quả, giúp dễ dàng theo dõi tính cách của nhân vật chính và dòng chảy của cốt truyện. Sử dụng các hình ảnh quen thuộc và gần gũi với đời sống hàng ngày để truyền tải thông điệp, như việc xây nhà, khênh xà, và đóng xe ngựa.
Kết Luận
Câu chuyện „Bác thợ cả Pfriem“ sử dụng ngôn ngữ giàu tính miêu tả và châm biếm để xây dựng một bức tranh hài hước về nhân vật chính. Tác phẩm không chỉ là một câu chuyện giải trí mà còn mang đậm tính giáo huấn, nhắc nhở người đọc về việc nhìn nhận bản thân và cư xử đúng mực trong cuộc sống.
Thông tin phân tích khoa học
Chỉ số | Giá trị |
---|---|
Con số | KHM 178 |
Aarne-Thompson-Uther Chỉ mục | ATU Typ 801 |
Bản dịch | DE, EN, DA, ES, FR, PT, IT, JA, NL, PL, RU, TR, VI, ZH |
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson | 14.5 |
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục | 99.6 |
Flesch–Kincaid Grade-Level | 3 |
Gunning Fog Chỉ mục | 5.9 |
Coleman – Liau Chỉ mục | 3.5 |
SMOG Chỉ mục | 4.4 |
Chỉ số khả năng đọc tự động | 1.2 |
Số lượng ký tự | 7.436 |
Số lượng chữ cái | 5.487 |
Số lượng Câu | 116 |
Số lượng từ | 1.677 |
Số từ trung bình cho mỗi câu | 14,46 |
Các từ có hơn 6 chữ cái | 1 |
Phần trăm các từ dài | 0.1% |
Tổng số Âm tiết | 1.835 |
Số tiết trung bình trên mỗi từ | 1,09 |
Các từ có ba Âm tiết | 5 |
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết | 0.3% |