Childstories.org
  • 1
  • Bọn trẻ
    Truyện cổ tích
  • 2
  • Sắp xếp theo
    thời gian đọc
  • 3
  • Hoàn hảo
    để đọc to
Ba điều ước
Grimm Märchen

Ba điều ước - Truyện cổ tích của Anh em Grimm

Thời gian đọc cho trẻ em: 14 phút

Ngày xửa ngày xưa, có một người nhà giàu. Ông ta có một người đầy tớ chăm chỉ, tận tâm với chủ. Ngày nào cũng vậy, anh là người đầu tiên ra khỏi nhà lúc trời sáng và tới đêm khuya là người cuối cùng đi ngủ. Có việc gì nặng nhọc không ai chịu làm, anh sẵn sàng nhận mà không bao giờ ca thán. Anh luôn luôn tỏ thái độ hài lòng và vui vẻ với mọi người. Một năm đã trôi qua, nhưng chủ vẫn chưa trả cho anh công của năm đó. Chủ nghĩ:

– Tên này là đứa biết điều nhất, ta có thể lỡ đi được, nó cũng chẳng đi ở nơi khác, nó vẫn ở lại làm cho mình. Người đày tớ kia vẫn lặng thinh, làm việc suốt năm thứ hai cũng chăm chỉ, tận tâm như năm thứ nhất. Cuối năm thứ hai, anh cũng chẳng nhận được tiền công. Anh cũng chẳng đả động gì tới chuyện đó và vẫn ở lại làm cho chủ. Tới khi hết năm thứ ba, chủ cho tay vào túi làm như lấy tiền trả công, khi rút tay ra tay không, lúc ấy anh đầy tớ mới nói:

– Thưa ông chủ, tôi làm cật lực cho ông đã ba năm nay. Xin ông thương tình trả tiền công xứng đáng với sự tận tụy của tôi. Tôi muốn đi khắp đó đây để cho biết thiên hạ. Ông chủ keo kiệt nói:

– Anh đã gắng sức làm cho ta, vậy cũng phải nhận tiền thưởng xứng đáng chứ. Chủ cho tay vào túi và lấy ra đếm từng đồng Heller một và nói:

– Ta trả cho anh mỗi năm một Heller. Ba năm ba đồng là lớn lắm đấy, chẳng có chủ nào trả nhiều và hậu như thế. Người đầy tớ chẳng mấy khi tiêu tiền, nhận tiền từ tay chủ và nghĩ:

– Giờ thì mình cũng đầy túi tiền, chẳng còn gì phải lo nghĩ, mà cũng chẳng phải kêu ca làm nặng nhọc. Anh lội suối trèo đèo, vừa đi vừa nhảy, ca hát. Khi anh đi qua một bụi cây, bỗng có người tí hon xuất hiện và gọi anh:

– Đi đâu vậy, anh bạn vui tính? Tôi thấy, hình như anh chẳng có gì để lo lắng cả. Anh chàng người ở đáp:

– Sao tôi lại phải buồn nhỉ! Đầy túi, kêu rủng riểng toàn tiền là tiền. Tiền công ba năm đi làm đấy.

– Kho báu của anh là bao nhiêu? Người tí hon hỏi.

– Bao nhiêu à? Ba đồng Heller, tôi đếm đúng như vậy. Người tí hon nói:

– Này anh bạn, tôi già nua khốn khổ, anh cho tôi ba đồng Heller đi. Tôi chẳng làm được gì để sống, anh còn trẻ khỏe nên làm gì cũng sống được. Anh chàng người ở vốn tốt bụng, hay thương người nên sẵn lòng đưa cho người tí hon ba đồng Heller và nói:

– Nhờ trời, tôi cũng chẳng đến nỗi túng thiếu. Người tí hon liền nói:

– Anh tốt bụng thương người. Anh cho tôi ba đồng Heller, tôi tặng anh ba điều ước, ước gì được nấy. Anh người ở vui mừng reo:

– A ha, anh đúng là người với tay tới tận trời xanh. Nếu ước được, tôi ước có ống xì đồng thổi chim, thổi đâu trúng đó. Thứ đến tôi ước có cây vĩ cầm, mỗi khi tôi chơi đàn thì tất cả mọi thứ đều nhảy múa. Điều thứ ba là không ai từ chối tôi, mỗi khi tôi yêu cầu họ. Người tí hon nói:

– Những điều đó anh sẽ có! Nói xong, người tí hon sờ tay vào bụi cây. Người ta có cảm tưởng những thứ chàng trai người ở ước muốn đã được sắp đặt từ trước, giờ chúng ở ngay trước mắt chàng, người tí hon cầm đưa chàng và nói:

– Mỗi khi anh có điều gì yêu cầu thì chẳng có ai chối từ cả. Anh chàng người ở tự nhủ:

– Tuyệt vời, còn mong muốn gì nữa! Anh lại tiếp tục lên đường. Lát sau anh gặp một người Do Thái có bộ râu dê rất dài. Người này đang đứng lắng nghe tiếng chim hót, con chim đang đậu trên ngọn cây. Người này nói:

– Tạo hóa sinh ra sao mà tuyệt vời, con chim nhỏ xíu mà có giọng hót lanh lảnh vang xa! Không biết có ai có thể giúp mình bắn nó không nhỉ? Anh chàng người ở nói:

– Nếu chẳng có chuyện gì thì chim rơi ngay bây giờ cho coi. Chàng dương ống xì đồng thổi trúng, chim rơi xuống bụi cây gai. Chàng bảo người Do Thái:

– Này anh kia, chui vào bụi lấy chim đi. Người Do Thái nói:

– Để tôi lách vào xem chim bị anh bắn trúng vào đâu. Người Do Thái kia trườn mình vào giữa bụi cây. Đúng lúc đó, anh chàng người ở hứng chí lấy đàn vĩ cầm ra chơi. Lập tức người Do Thái kia bật đứng dậy và nhảy. Đàn đánh càng du dương, người Do Thái kia nhảy càng sôi động hơn. Gai kéo níu rách hết áo quần, gai làm chòm râu dê tơi tả, gai đâm tê tái khắp người. Lúc bấy giờ, người Do Thái kia kêu la:

– Đánh đàn gì mà kỳ vậy. Xin đừng chơi đàn nữa, tôi có thích nhảy đâu. Chàng trai người ở cứ chơi đàn tiếp tục, trong bụng nghĩ:

– Ngươi lừa đảo nhiều người rồi. Gai đâm để cho ngươi nhớ đời. Rồi chàng chơi càng hăng say hơn trước. Người Do Thái kia nhảy càng cao và hăng hơn trước đến nỗi quần áo rách nát từng mảnh và dính treo lơ lửng trong bụi gai. Người đó la:

– Ối trời ơi, đau quá. Xin tha cho tôi, tôi xin nộp túi vàng này. Chàng trai người ở nói:

– Nếu ngươi hào phóng như vậy thì ta ngưng chơi nhạc. Ta cũng khen ngươi nhảy khá đấy. Rồi chàng cầm túi vàng và tiếp tục lên đường. Đợi đến khi chàng trai đi đã xa khuất khỏi tầm mắt nhìn, lúc bấy giờ người Do Thái kia mới la tướng lên:

– Quân nhạc sĩ lang thang khốn kiếp, đồ gảy đàn ăn xin, cứ đợi đấy, ta sẽ tóm được ngươi. Ta sẽ dần cho ngươi biết tay ta, ta đánh ngươi nhừ tử. Đồ khốn nạn, ngươi sẽ biết thế nào là xu và tiền vàng. Người Do Thái kia chửi một thôi một hồi. Khi đã lấy lại sức, người Do Thái kia tới thành phố gặp quan tòa. Hắn nói:

– Thưa quan tòa, ngay giữa đường cái quan, ngay giữa ban ngày mà có tên khốn kiếp nó dám cướp của, đánh người. Đá cũng phải thấy xót xa! Nó đánh tôi tơi tả quần áo, khắp người toàn những vết thương, rồi lấy đi túi tiền toàn những đồng Dukaten sáng loáng, đồng nào cũng đẹp ơi là đẹp. Lạy trời, hãy tóm cổ nó cho vào ngục tối! Quan tòa hỏi:

– Có phải lính không? Nó đã dùng kiếm đâm anh phải không? Người Do Thái đáp:

– Có trời chứng giám. Hắn chẳng có dao, kiếm gì cả. Hắn đeo một ống xì đồng và một cây đàn vĩ cầm. Tên tội phạm ấy rất dễ nhận mặt. Quan tòa cho lính đi lùng bắt. Họ tìm ra ngay anh chàng người ở tốt bụng kia. Họ cũng thấy anh ta dắt trong người túi tiền. Anh chàng người ở bị đưa ra tòa xét xử. Anh thưa:

– Tôi không hề chạm vào thân thể người Do Thái kia. Tôi cũng chẳng cướp túi tiền của hắn. Hắn nói, nếu tôi ngưng kéo vĩ cầm, hắn sẽ cho tôi túi tiền. Người Do Thái la lớn:

– Có trời chứng giám! Giờ nó lại dối trá như lũ ruồi bẩn thỉu. Quan tòa không tin lời anh chàng người ở và nói:

– Giữa đường cái quan mà dám ăn cướp. Đem treo cổ! Điều đó không thể tha thứ được! Khi chàng người ở bị dẫn ra pháp trường, người Do Thái kia còn nói lớn:

– Quân hỗn như gấu! Đồ nhạc sĩ lang thang chó chết, giờ thì mày được thưởng xứng công nhe! Chàng người ở lặng lẽ theo bước người đao phủ, khi bước lên bục cuối cùng, chàng quay người lại nói với quan tòa:

– Xin cho tôi được nói yêu cầu trước khi chết. Quan tòa nói:

– Chỉ có xin tha chết là không được! Chàng người ở nói:

– Tôi không xin tha chết. Tôi xin được chơi đàn vĩ cầm lần cuối. Người Do Thái kia bỗng thét lên:

– Cầu trời, đừng cho phép nó chơi đàn, đừng cho phép nó chơi đàn! Quan tòa phán:

– Tại sao lại không cho nó được hưởng giây lát sung sướng. Điều đó ta cho phép! Nhưng làm sao chối từ được, đấy là một trong ba điều ước mà chàng người ở có. Người Do Thái kia lại la lớn:

– Hãy trói tôi lại, hãy trói chặt tôi lại! Chàng người ở tốt bụng lấy đàn vĩ cầm ra chơi. Tiếng đàn du dương vừa mới vang lên thì mọi người đều rục rịch, rồi quan tòa, thơ ký cùng các nhân viên tòa án đều đung đưa chân bắt đầu nhảy, tên đao phủ buông thòng lọng khỏi chàng người ở. Tiếng đàn càng rộn vang mọi người càng nhảy hăng say hơn trước. Quan tòa và người Do Thái kia đứng đầu hàng và nhảy hăng say nhất. Rồi tất cả những người tò mò tới xem hành hình cũng nhộn nhịp nhảy múa, già trẻ, béo gầy đều nhảy, rồi chó đứng quanh cũng chân thấp chân cao như muốn cùng nhảy với mọi người. Chàng chơi càng lâu mọi người càng nhảy tứ tung đến mức họ cụng đầu vào nhau tới mức đau điếng phải ca thán. Cuối cùng quan tòa thấy mình gần hụt hơi vì nhảy, ông nói:

– Ta tha chết cho ngươi. Hãy ngưng chơi đàn! Chàng người ở tốt bụng ngưng chơi đàn, đeo đàn vào người và bước khỏi bục treo cổ. Chàng bước tới chỗ tên Do Thái và hỏi:

– Quân lừa đảo! Nói ngay, ngươi lấy ở đâu ra tiền! Bằng không ta lại lấy đàn ra chơi. Tên Do Thái đang nằm lăn dưới đất, ráng lấy sức hít thở, nghe nói vậy, hắn khai:

– Tiền ấy là tiền tôi ăn cắp. Quan tòa liền cho dẫn tên Do Thái lên bục và hạ lệnh treo cổ tên ăn cắp.

Đọc một câu chuyện cổ tích ngắn khác (5 phút)

LanguagesLearn languages. Double-tap on a word.Learn languages in context with Childstories.org and Deepl.com.

Ngữ cảnh

Diễn giải

Ngôn ngữ

Câu chuyện „Ba điều ước“ từ bộ sưu tập truyện cổ tích của Anh em nhà Grimm là một minh chứng cho sự thông minh và lòng tốt bụng của nhân vật chính – anh chàng đầy tớ. Trong truyện, anh ta làm việc chăm chỉ không ngừng nghỉ trong suốt ba năm mà không nhận được tiền công xứng đáng. Dù vậy, anh vẫn giữ thái độ tích cực, và sự tốt bụng của anh được đền đáp bằng ba điều ước từ một người tí hon mà anh đã giúp đỡ.

Nhờ ba điều ước này, anh đã có được những vật dụng kỳ diệu như một cây ống xì đồng và một chiếc đàn vĩ cầm có thể giúp anh điều khiển sự việc theo ý muốn. Câu chuyện đi theo hành trình của anh, từ việc bị lừa bởi người chủ keo kiệt đến việc khám phá sức mạnh của ba điều ước. Cuối cùng, anh đã sử dụng những điều ước một cách khôn ngoan để đảo ngược tình thế trong một phiên tòa và vạch trần sự gian dối của một tên lừa đảo.

Truyện này không chỉ giải trí mà còn truyền tải những bài học về công lý, lòng nhân ái và trí thông minh. Câu chuyện khẳng định rằng sự trung thực và lòng tốt có thể dẫn đến những kết quả bất ngờ và tích cực, trong khi sự tham lam và dối trá sẽ bị trừng phạt.

Câu chuyện „Ba điều ước“ từ truyện cổ tích của anh em nhà Grimm là một ví dụ đặc trưng cho lối viết mang tính nhân văn, chứa đựng thông điệp sâu sắc về lòng tốt, sự công bằng và cách sử dụng sức mạnh hay khả năng đặc biệt.

Dưới đây là một số cách diễn giải có thể

Lòng tốt và sự hào phóng: Nhân vật người đầy tớ trong câu chuyện dù bị đối xử bất công bởi người chủ keo kiệt vẫn giữ được lòng vị tha và tốt bụng. Điều này thể hiện rằng dù trong hoàn cảnh khó khăn, việc giúp đỡ người khác không chỉ là một phẩm chất đáng quý mà đôi khi còn mang lại những điều tốt đẹp bất ngờ cho cuộc đời mình, như ba điều ước mà anh được ban tặng.

Quyền lực và trách nhiệm: Khi nhận được ba điều ước, người đầy tớ đã khéo léo chọn những thứ có thể mang lại niềm vui và công bằng. Anh không dùng sức mạnh mình có để làm điều xấu, mà thay vào đó, anh đã biến nó thành công cụ để lật lại bất công và bảo vệ bản thân. Điều này ngụ ý rằng quyền lực đi kèm với trách nhiệm lớn lao, và chỉ khi được sử dụng đúng cách, nó mới thực sự có ích.

Công lý và sự trừng phạt: Câu chuyện khép lại với cái kết công bằng khi người Do Thái gian dối bị trừng phạt cho hành động của mình. Trong bối cảnh này, tác giả muốn cho thấy rằng dù có thể tạm thời thoát khỏi sự trừng phạt của xã hội loài người, hành vi xấu sẽ bị vạch trần và trừng phạt xứng đáng. Đây là một lời nhắc nhở rằng sự công bằng có thể đến chậm, nhưng nó sẽ không bị phủ nhận.

Tri thức và sự khôn khéo: Người đầy tớ không chỉ nhờ vào phép màu ba điều ước, mà còn nhờ trí thông minh và sự khéo léo để vượt qua khó khăn. Anh đã khéo léo thương lượng và biết tận dụng những điều ước một cách hiệu quả. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của trí tuệ và sự khôn ngoan trong việc xử lý các tình huống trong cuộc sống.

Mặc dù câu chuyện có yếu tố kỳ ảo, nhưng những thông điệp và bài học nhân văn vẫn rất thực tế và có ý nghĩa sâu sắc cho người đọc ở mọi thời đại.

Câu chuyện „Ba điều ước“ của Anh em nhà Grimm mang đậm chất cổ tích và chứa đựng nhiều yếu tố ngôn ngữ và văn hóa đặc trưng của thời đại nó được viết. Dưới đây là một số phân tích ngôn ngữ học và văn hóa về câu chuyện này:

Ngữ pháp và Từ vựng: Câu chuyện sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với thể loại truyện cổ tích thường nhắm đến đối tượng trẻ em. Những từ ngữ miêu tả như „chăm chỉ“, „tận tâm“, „keo kiệt“, „vui vẻ“ tạo nên các hình ảnh rõ nét về các nhân vật và phẩm chất của họ. Việc sử dụng các danh từ chỉ số ít, như „đồng Heller“, „đồng Dukaten“, cũng phản ánh nền kinh tế và đơn vị tiền tệ lúc bấy giờ, giúp người đọc hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội trong truyện.

Phong cách tự sự: Truyện được kể theo ngôi thứ ba, giúp người kể chuyện có thể truyền tải được mọi khía cạnh của câu chuyện cũng như suy nghĩ của các nhân vật một cách khách quan.
Câu chuyện có kết cấu đơn giản với các mốc sự kiện rõ ràng: sự tận tụy của người đầy tớ, việc gặp gỡ người tí hon, và những sự kiện xảy ra sau khi nhận ba điều ước.

Yếu tố văn hóa và xã hội: Truyện phản ánh hình ảnh xã hội phân tầng thời kỳ đó, với sự đối lập giữa người chủ giàu có và người đầy tớ chăm chỉ nhưng bị thiệt thòi. Hình ảnh „người Do Thái“ trong câu chuyện thể hiện một cái nhìn tiêu cực có thể thấy trong một số truyện cổ tích châu Âu thời bấy giờ. Điều này phản ánh định kiến văn hóa mà ngày nay bị coi là không phù hợp.

Yếu tố thần kỳ: Sự hiện diện của người tí hon ban cho ba điều ước là yếu tố thần kỳ, thường thấy trong truyện cổ tích, mang đến bài học về lòng tốt và sự hào phóng. Những điều ước thể hiện ước mơ vượt thoát khỏi cuộc sống thường ngày và đạt được những quyền năng đặc biệt, phản ánh khao khát của con người về việc kiểm soát vận mệnh của mình.

Thông điệp và bài học đạo đức

Truyện gửi gắm thông điệp về nhân quả: lòng tốt của anh đầy tớ được đền đáp xứng đáng, trong khi sự tham lam và gian dối dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho người khác. Bài học về việc sử dụng sức mạnh và quyền năng một cách khôn ngoan và có đạo đức, thể hiện qua cách xử lý của người đầy tớ khi được ban cho ba điều ước.

Tóm lại, „Ba điều ước“ là một câu chuyện mang đậm sắc thái cổ tích với nhiều yếu tố thần kỳ, xã hội, và đạo đức, đóng vai trò quan trọng trong việc dạy dỗ và giải trí cho người đọc, đặc biệt là trẻ em.


Thông tin phân tích khoa học

Chỉ số
Giá trị
Con sốKHM 110
Bản dịchES, PT, FI, HU, IT, JA, NL, PL, RU, TR, VI, ZH
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson11.5
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục99.6
Flesch–Kincaid Grade-Level2.2
Gunning Fog Chỉ mục4.7
Coleman – Liau Chỉ mục3.7
SMOG Chỉ mục4.4
Chỉ số khả năng đọc tự động0
Số lượng ký tự8.068
Số lượng chữ cái5.908
Số lượng Câu156
Số lượng từ1.785
Số từ trung bình cho mỗi câu11,44
Các từ có hơn 6 chữ cái1
Phần trăm các từ dài0.1%
Tổng số Âm tiết2.018
Số tiết trung bình trên mỗi từ1,13
Các từ có ba Âm tiết6
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết0.3%
Câu hỏi, nhận xét hoặc báo cáo kinh nghiệm?

Chính sách bảo mật.

Những câu chuyện cổ tích hay nhất

Quyền tác giả © 2025 -   Về chúng tôi | Bảo vệ dữ liệu |Đã đăng ký Bản quyền Cung cấp bởi childstories.org

Keine Internetverbindung


Sie sind nicht mit dem Internet verbunden. Bitte überprüfen Sie Ihre Netzwerkverbindung.


Versuchen Sie Folgendes:


  • 1. Prüfen Sie Ihr Netzwerkkabel, ihren Router oder Ihr Smartphone

  • 2. Aktivieren Sie ihre Mobile Daten -oder WLAN-Verbindung erneut

  • 3. Prüfen Sie das Signal an Ihrem Standort

  • 4. Führen Sie eine Netzwerkdiagnose durch