Thời gian đọc cho trẻ em: 12 phút
Ngày xưa, có một người đàn ông nghèo sinh được bốn người con trai. Khi các con đã trưởng thành, khôn lớn, ông nói với các con:
– Các con thân yêu, bây giờ các con hãy đi chu du thiên hạ, tới miền đất lạ học lấy một nghề để tự mình kiếm kế sinh nhai, cha nghèo chẳng có gì cho các con. Bốn người con cầm gậy hành trình, chào tạm biệt người cha thân yêu, rồi cùng nhau lên đường. Đi một lát thì họ tới một ngã tư có nhiều hướng đi khác nhau. Họ dừng lại, người anh cả nói:
– Bây giờ anh ta chia tay nhau, mỗi người một ngả, bốn năm nữa, cũng ngày này chúng ta sẽ gặp nhau ở đây, trong thời gian ấy mỗi người học lấy một nghề để kiếm kế sinh nhai. Nói xong, mỗi người đi một ngả. Người anh cả gặp một người đàn ông, ông này hỏi anh định đi đâu, làm gì. Anh trả lời:
– Tôi muốn học lấy một nghề. Người kia rủ:
– Vậy thì đi theo ta rồi anh sẽ giỏi nghề… ăn trộm. Anh ta trả lời:
– Không, nghề ấy đâu phải là một nghề lương thiện, cái kết cục của nghề ấy là bị treo cổ. Người đàn ông kia nói:
– Chà, anh khỏi phải sợ treo cổ, tôi không dạy anh làm việc bất lương mà chỉ dạy cho anh cách làm sao lấy được những cái mà không người nào lấy được để giúp ích cho mọi người. Nghe bùi tai, anh chàng bằng lòng đi theo. Người em thứ hai cũng gặp một người đàn ông hỏi anh muốn học nghề gì trên đời này. Anh trả lời:
– Tôi cũng chưa biết phải học nghề gì. Người kia nói:
– Thế thì anh hãy đi với tôi, sau này sẽ trở thành nhà thiên văn, trên đời này không có nghề gì hay bằng. Không có một cái gì lọt qua mắt nhà thiên văn. Anh ta thấy học nghề ấy cũng hay nên đi theo và trở thành một nhà thiên văn tài giỏi đến mức, sau khi anh ta học xong tạm biệt thầy ra về, thầy đưa cho anh một ống viễn kính và bảo:
– Với viễn kính này anh có thể nhìn thấy hết mọi việc xảy ra trên trời, dưới đất, chẳng có gì lọt qua được mắt anh. Có người thợ săn nhận dạy người em thứ ba nghề đi săn, ông dạy cho anh tất cả những ngón của nghề săn và đào luyện anh trở thành một nhà thiện xạ. Trong buổi chia tay từ giã, thầy tặng anh một khẩu súng và bảo:
– Súng này thì chẳng còn chê vào đâu được, anh đã giương súng ngắm là bách phát, bách trúng. Người em út cũng gặp một người đàn ông. Ông ta hỏi anh:
– Anh có thích học nghề may không? Anh đáp:
– Ngồi khoanh chân từ sáng đến chiều, cầm kim khâu khâu, vá vá, rồi còn ủi quần áo, tôi không biết liệu mình có nhớ mà làm nổi những việc ấy không? Người đàn ông nói:
– Đâu có như anh nói và nghĩ. Anh sẽ học ở tôi nghề thợ may khác hẳn những nơi khác, một nghề may lịch thiệp, sung túc và có phần nào vinh hạnh nữa. Anh ta thấy cũng hay nên đi theo thầy học nghề cho đến nơi, đến chốn. Trong buổi chia tay từ giã, thầy cho anh một cái kim và bảo:
– Với chiếc kim này anh có thể khâu được mọi thứ trên đời này, mềm như trứng, cứng như thép đều khâu được cả, đường chỉ liền khít tới mức không nhận ra được nữa. Đúng bốn năm trôi qua, bốn anh em gặp lại nhau ở ngã tư năm xưa, ôm hôn nhau thắm thiết, rồi cùng nhau trở về nhà gặp cha. Người cha mừng rỡ hỏi:
– Chà, gió nào đã đưa các con trở về thế?

Các con kể cho người cha nghe mọi chuyện xảy ra với họ và họ đã học được nghề mình yêu thích. Lúc ấy năm cha con đang ngồi trước nhà, dưới một cây cổ thụ. Người cha nói:
– Bây giờ cha muốn thử tài các con, xem các con biết làm những gì. Ông ngước mắt lên và bảo người con thứ hai:
Ở giữa hai cành trên ngọn cây kia có một tổ sáo, đố con biết có mấy trứng nằm trong tổ? Nhà thiên văn học lấy viễn kính ra, đứng ngước mặt lên ngắm rồi nói:
– Có năm trứng tất cả. Người cha nói với con cả:
– Con thử trèo lên lấy trứng làm sao chim mẹ đang ấp bị mất trứng mà không hề biết. Anh chàng khéo tay trèo lên lấy năm quả trứng đang ấp dưới bụng chim mẹ, anh lấy nhẹ nhàng, tài tình đến nỗi chim mẹ không hề hay biết cứ nằm im tiếp tục ấp. Anh trèo xuống đưa trứng cho cha. Ông cầm lấy trứng đặt ở mỗi góc bàn một quả, quả thứ năm đặt ở chính giữa bàn, ông bảo anh thiện xạ:
– Đố con bắn một phát mà thủng được cả năm quả trứng! Anh thiện xạ lắp đạn và bắn, chỉ một phát đạn cả năm quả trứng đều bể làm đôi. Đúng là anh có tài bắn đạn chạy chữ chi. Người cha lại bảo người con thứ tư:
– Bây giờ đến lượt con. Đố con khâu vỏ trứng cũng như thai chim non trong trứng liền lại như cũ mà thai chim trong trứng không hề bị ảnh hưởng gì cả. Anh thợ may lấy kim ra khâu, khâu y như lời cha dặn. Trứng khâu xong, người con trai cả khéo tay trèo lên cây, đặt trứng vào trong ổ dưới bụng chim mẹ và chim mẹ vẫn không hề hay biết. Chim mẹ ấp vài ngày thì trứng chim nở, cả năm con chim, con nào cũng có khoang đỏ ở cổ là do vết khâu của chàng thợ may. Người cha bảo các con:
– Cha hết sức mừng cho các con, các con đã biết tận dụng thời gian học được những nghề hữu ích. Cha không thể nói được, ai trong bốn con là tài hơn cả. Chắc chẳng bao lâu các con sẽ có dịp hành nghề để giúp ích cho thiên hạ. Ít lâu sau, khắp cả nước xôn xao vì chuyện công chúas đã bị một con rồng bắt đi đâu không biết. Vua cha lo lắng ngày đêm, hứa sẽ trọng thưởng cho ai cứu được công chúa. Bốn anh em bảo nhau:
– Có lẽ đây là dịp tốt để chúng ta đem tài năng giúp ích cho đời. Rồi bốn anh em cùng nhau ra đi để giải thoát cho công chúa. Nhà thiên văn nói:
– Tôi sẽ biết ngay công chúa đang ở đâu. Anh chiếu ống viễn kính lên xem và nói:
– Tôi đã trông thấy nàng, nàng ở cách đây rất xa, đang ngồi trên một tảng đá giữa biển, bên một con rồng đang canh gác nàng. Anh tới gặp nhà vua, xin cấp cho một chiếc tuyền để bốn anh em vượt biển đi đến chỗ tảng đá. Công chúa đang ngồi, còn con rồng thì đang ngủ, đầu gối vào lòng nàng. Nhà thiện xạ nói:
– Tôi không dám bắn, sợ đạn xuyên qua thân rồng trúng phải người công chúa. Anh cả nói:
– Để tôi thử liều xem may ra được chăng. Rồi anh trườn lại gần và cắp công chúa đi nhẹ nhàng và khéo léo tới mức con quái vật không hề hay biết, vẫn cứ ngáy khò khò. Mấy anh em mừng rỡ, vội đưa nàng lên thuyền và căng buồm chạy ra khơi. Rồng thức giấc, tìm mãi không thấy công chúa đâu, nó rượt theo thuyền, miệng thì phì phì dữ tợn, khi nó đuổi kịp thuyền định xà xuống thì anh thiện xã đã lắp đạn vào súng, anh giương súng bắn trúng ngay tim con vật. Con quái vật chết rơi xuống, nhưng nó to và nặng lại rơi trúng xuống thuyền làm chiếc thuyền vỡ tan ra từng mảnh. Mọi người vội bám lấy những tấm ván nổi lềnh bềnh bơi trên mặt biển bao la. Tình cảnh thật khó giải quyết. Nhưng anh thợ may chăm chỉ đi lấy chiếc kim thần diệu của mình ra, khâu vội mấy tấm ván đáy thuyền lại, rồi anh ngồi lên đó nhặt nốt các mảnh thuyền khác khâu vào. Anh khâu khéo tới mức chỉ một lát lại có một chiếc thuyền nguyên vẹn có thể căng buồm lên được, họ trở về nhà bình an vô sự. Vua cha gặp lại con gái hết sức mừng rỡ. Vua nói với bốn anh em nhà kia:
– Ơn cứu mạng là ơn trời biển. Đáng lẽ ta gả con gái ta cho một trong bốn người. Nhưng người nào cũng tài giỏi cả, không biết cho ai cho xứng. Nay ta chia cho các ngươi một vùng đất để làm ăn, các ngươi có bằng lòng không? Bốn anh em đều thấy toại nguyện. Được chia vùng đất tốt, bốn anh em đón cha về chung sức làm ăn. Cuộc sống thật đầm ấm, hạnh phúc.

Ngữ cảnh
Diễn giải
Ngôn ngữ
Câu chuyện „Bốn anh em tài giỏi“ của anh em nhà Grimm kể về bốn người con trai của một người đàn ông nghèo, mỗi người đi học một nghề khác nhau để có thể tự kiếm sống. Người anh cả học nghề tay trộm khéo léo, người thứ hai trở thành nhà thiên văn tài giỏi, người thứ ba trở thành thiện xạ, trong khi người em út trở thành một thợ may kỳ diệu. Sau bốn năm, họ trở về nhà, thể hiện tài năng của mình trước cha và sau đó cùng nhau giải cứu công chúa khỏi một con rồng. Mỗi người trong số họ đóng góp kỹ năng đặc biệt của mình trong cuộc phiêu lưu này. Khi trở về, vua ban thưởng cho họ một vùng đất thay vì gả công chúa cho một người. Câu chuyện thể hiện tinh thần đoàn kết và giá trị của việc tận dụng tài năng cá nhân để giúp ích cho cộng đồng.
Câu chuyện „Bốn anh em tài giỏi“ của anh em nhà Grimm là một câu chuyện cổ tích thú vị với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Dưới đây là một số cách diễn giải khác nhau về câu chuyện này:
Giá trị của kiến thức và kỹ năng: Câu chuyện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học hỏi và phát triển kỹ năng cá nhân. Mỗi người con chọn một nghề và trở nên đặc biệt thành thạo trong lĩnh vực của mình, điều này giúp họ giải quyết các thách thức trong cuộc sống, từ việc giải cứu công chúa đến việc xây dựng cuộc sống hạnh phúc sau này.
Tinh thần đoàn kết và hợp tác: Một thông điệp quan trọng trong câu chuyện là sự hợp tác và đoàn kết giữa các anh em. Mỗi người đóng góp kỹ năng của mình để giải cứu công chúa và vượt qua khó khăn. Thành công cuối cùng không chỉ là kết quả của từng cá nhân, mà là của cả tập thể.
Sự khéo léo và sáng tạo: Sự linh hoạt và khả năng ứng biến của các anh em trong những hoàn cảnh khó khăn cho thấy giá trị của tư duy sáng tạo. Đây là bài học về việc không ngừng tìm kiếm giải pháp và cách tiếp cận mới mẻ để giải quyết vấn đề.
Lòng biết ơn và sự công bằng: Câu chuyện cũng cho thấy sự công bằng và lòng biết ơn, được thể hiện qua việc nhà vua không thể chọn ai trong số họ để thưởng công riêng lẻ, mà quyết định chia đất cho cả bốn người. Điều này nhấn mạnh rằng đôi khi sự đóng góp và tài năng không thể đo lường bằng phần thưởng vật chất đơn lẻ.
Triết lý về số phận và cơ hội: Câu chuyện gợi ý rằng mỗi người đều có con đường và số phận riêng, và điều quan trọng là nhận ra cơ hội khi nó đến để thực hiện những điều lớn lao.
Những cách diễn giải trên đây giúp làm rõ hơn ý nghĩa và giá trị của câu chuyện cổ tích, đồng thời cung cấp những bài học bổ ích về cuộc sống.
Truyện cổ tích „Bốn anh em tài giỏi“ của anh em nhà Grimm chứa đựng nhiều yếu tố ngôn ngữ học đáng chú ý. Dưới đây là một số phân tích về ngôn ngữ và nội dung của câu chuyện này:
Cấu trúc câu chuyện: Câu chuyện sử dụng cấu trúc truyền thống của truyện cổ tích với mô típ „bốn anh em“ mỗi người học được một nghề đặc thù. Cấu trúc này tạo ra sự lặp lại quen thuộc trong văn học dân gian, giúp người nghe dễ dàng tiếp cận và nhớ chuyện.
Nhân vật và nghề nghiệp: Câu chuyện dùng lối nhân hóa và miêu tả chi tiết để khắc họa từng nhân vật, mỗi người có một sở trường riêng: người ăn trộm, nhà thiên văn, thợ săn, và thợ may. Nghề nghiệp của từng người không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thể hiện sự phong phú về trí tưởng tượng của tác giả Grimm.
Ngôn ngữ và phong cách: Ngôn ngữ trong truyện rất sinh động và giàu hình ảnh, với những đoạn hội thoại và miêu tả cảnh vật chi tiết. Việc sử dụng từ ngữ miêu tả như „ngã tư“, „tổ sáo“, „viễn kính“, „rồng“ khơi gợi trí tưởng tượng mạnh mẽ cho người đọc.
Thông điệp và ý nghĩa: Câu chuyện gửi gắm thông điệp về sự đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, cùng với việc tôn vinh sự đa dạng của tài năng và trí tuệ. Các chi tiết như anh cả khéo léo lấy trộm trứng, nhà thiên văn nhìn thấy mọi thứ, thiện xạ bách phát bách trúng, thợ may khâu vỏ trứng liền lại – tất cả đều cho thấy tài năng đặc biệt và cách sử dụng chúng vì mục đích tốt đẹp.
Yếu tố kỳ ảo: Như nhiều truyện cổ tích khác, „Bốn anh em tài giỏi“ có sự xuất hiện của các yếu tố kỳ ảo như con rồng, chiếc kim thần diệu, và những năng lực phi thường, tạo nên sự hấp dẫn và thu hút đối với người đọc, đặc biệt là trẻ em.
Bài học đạo đức: Mỗi nhân vật đều thể hiện một phẩm chất tốt, khi kết hợp lại tạo nên sức mạnh lớn hơn để vượt qua khó khăn. Câu chuyện nhấn mạnh giá trị của việc học hỏi, sử dụng kỹ năng mình có để đem lại lợi ích cho cộng đồng.
Tóm lại, „Bốn anh em tài giỏi“ của anh em Grimm là một ví dụ điển hình của truyện cổ tích với nhiều bài học đáng suy ngẫm về tình anh em, tài năng, và lòng dũng cảm.
Thông tin phân tích khoa học
Chỉ số | Giá trị |
---|---|
Con số | KHM 129 |
Aarne-Thompson-Uther Chỉ mục | ATU Typ 653 |
Bản dịch | DE, EN, DA, ES, PT, FI, HU, IT, JA, NL, PL, RU, TR, VI, ZH |
Chỉ số khả năng đọc của Björnsson | 15.4 |
Flesch-Reading-Ease Chỉ mục | 96.8 |
Flesch–Kincaid Grade-Level | 3.6 |
Gunning Fog Chỉ mục | 6.4 |
Coleman – Liau Chỉ mục | 3.6 |
SMOG Chỉ mục | 5.1 |
Chỉ số khả năng đọc tự động | 1.8 |
Số lượng ký tự | 7.020 |
Số lượng chữ cái | 5.175 |
Số lượng Câu | 102 |
Số lượng từ | 1.570 |
Số từ trung bình cho mỗi câu | 15,39 |
Các từ có hơn 6 chữ cái | 0 |
Phần trăm các từ dài | 0% |
Tổng số Âm tiết | 1.752 |
Số tiết trung bình trên mỗi từ | 1,12 |
Các từ có ba Âm tiết | 10 |
Tỷ lệ phần trăm từ có ba âm tiết | 0.6% |